Không tuân thủ bác sĩ
Mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc, số ca tử vong vì lao mỗi năm lên tới 18.000 người. Theo BSCKII Lê Minh Hòa, Trưởng Khoa nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội thì tình trạng gia tăng lao kháng đa thuốc có thể do chính quần thể vi trùng lao đột biến, vì vi trùng lao là loại vi trùng dễ đột biến, dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì vi trùng lao vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao. Vì vậy, bệnh nhân cần tái khám trong suốt quá trình điều trị để bác sĩ có thể phát hiện sớm tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên cũng có bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngay từ đầu, tức là lây nhiễm lao từ một người đã bị lao kháng thuốc. Hiện nay trong cộng đồng có rất nhiều người bị lao kháng thuốc, nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.
Nguyên nhân chủ yếu nhất được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hoặc cũng có thể do thầy thuốc điều trị không có chuyên môn dẫn đến lao kháng thuốc. Thông thường một liệu trình điều trị lao kéo rất dài, ít nhất 6 tháng, vì vậy bệnh nhân thường khó tuân thủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ điều trị mà không biết rằng vi trùng lao sống rất “dai”, sau một thời gian “ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại, kháng lại các thuốc lao cũ. Bên cạnh đó, thuốc lao cũng thường gây nhiều tác dụng phụ khó chịu, vì vậy nhiều bệnh nhân tự ý bỏ điều trị giữa chừng mà không đến tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Với những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, vi khuẩn lao kháng luôn cả với những thuốc lao thế hệ 2, nên việc điều trị vô cùng khó khăn, ngay cả khi có chương trình điều trị lao kháng thuốc thì những bệnh nhân này có điều trị cũng thất bại, vì đến thời điểm này vẫn chưa chính thức có một loại thuốc lao mới nào được đưa vào điều trị.
Nỗ lực điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc
Khi bệnh nhân không tuân thủ điều trị nhiều lần dẫn đến tình trạng kháng thuốc gây khó khăn lớn trong quá trình điều trị, bệnh lao trở nên nguy hiểm và khả năng tử vong cao. Điều trị bệnh lao thông thường đã rất tốn kém thì việc điều trị lao kháng thuốc lại càng tốn kém hơn. Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng, phải kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường và các thuốc lao cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn và cần được theo dõi nhiều hơn, bệnh nhân càng khó tuân thủ quá trình điều trị. Điều đáng nói là tình trạng này ngày càng gia tăng, nếu trước đây (năm 2010) tỷ lệ kháng thuốc ở nhóm mắc mới là 2,7% và ở nhóm điều trị lại là 19%, thì đến năm 2014, các tỷ lệ này đã tăng lên là 4% và 23%. Hiện nay chúng ta mới quản lý được khoảng 1.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm, còn lại 2/3 số bệnh nhân chưa được phát hiện, quản lý.
BS Lê Minh Hòa cho biết điều nguy hiểm là những bệnh nhân lao kháng đa thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ cao tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng đa thuốc cho xã hội. Hiện tại các cơ sở y tế điều trị bệnh lao đang tích cực thu dung, quản lý, điều trị các bệnh nhân nhân lao trong cộng đồng. “Trước năm 2011 bệnh nhân lao kháng đa thuốc khi được chẩn đoán chưa quản lý điều trị được mà bệnh nhân điều trị một cách tự do. Từ 2011 đến nay được sự giúp đỡ của chương trình chống lao Quốc gia và các tổ chức quốc tế thì Bệnh viện Phổi Hà Nội đã triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Năm 2011 là 28 bệnh nhân, những năm sau số lượng bệnh nhân đều tăng, đến 2014 là 126 bệnh nhân, lũy tích đến hết 2014 là đã thu dung, quản lý, điều trị là 287 bệnh nhân, chỉ tiêu 2015 của chúng tôi là 130 bệnh nhân” - BS Hòa nói.
Hiện nay việc điều trị bệnh lao ở Việt Nam có nhiều tiến bộ đáng kể, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân lao thông thường giảm nhiều, tuy nhiên tỷ lệ ở bệnh nhân lao kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc vẫn cao, tầm 3-5% bệnh nhân được chẩn đoán. Theo các bác sĩ, bệnh lao hiện nay không còn là bệnh nan y như trước đây, việc điều trị cũng rất khả quan. Với bệnh nhân lao đã được chẩn đoán mà không được điều trị thì 50% sẽ tử vong trong vòng 5 năm. Nhưng nếu được điều trị đúng thì tỷ lệ khỏi ở nhóm bệnh nhân không kháng thuốc lên tới trên 90%, ở nhóm bệnh nhân kháng đa thuốc là 70%.