Khống chế bệnh Lao là một thách thức của Y tế Thế giới cũng như tại Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình chống Lao Quốc gia Việt Nam thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này là phát hiện và điều trị sớm không chỉ cho những trường hợp lao bệnh mà ngay những trường hợp lao mới nhiễm, chưa chuyển sang giai đoạn lao tiến triển mà ta gọi là bệnh Lao tiềm ẩn.
Lao tiềm ẩn (Latent TB Infection viết tắt là LTBI) là người nhiễm vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis nhưng bệnh Lao không họat động. Những người bị nhiễm lao tiềm ẩn không có khả năng lây nhiễm, không phát tán bệnh lao sang người khác, không có bằng chứng bệnh lao biểu hiện về mặt lâm sàng, người nhiễm vi trùng lao vẫn khỏe mạnh, lao động, sinh hoạt bình thường
Bệnh Lao lây truyền qua các giọt nước trong không khí từ chất tiết khi ho, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động. Tiếp xúc gần gũi (kéo dài, thường xuyên, thân mật) là nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất (khoảng 22%, nhưng có thể đến 100%). Một phần ba dân số thế giới được ước tính là bị lây nhiễm bởi M. tuberculosis (Latent TB infection:LTBI). Lao tiềm ẩn (LTBI) là một trạng thái đáp ứng miễn dịch liên tục với sự kích thích bởi các kháng nguyên Mycobacterium Tuberculosis, những người bị nhiễm này không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lao và không gây lây nhiễm bệnh cho người khác, nhưng họ có nguy cơ phát triển thành bệnh lao hoạt động và sẽ trở thành nguồn lây truyền bệnh trong cộng đồng. Người bị lao tiềm ẩn có nguy cơ biến thành lao hoạt động trong 5-10% các trường hợp, và giai đoạn cơ nguy nhiều nhất là khoảng thời gian 1-2 năm sau khi xảy ra nhiễm vi trùng lao.
Với tình hình dịch tể hiện nay, 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao. Việc chẩn đoán và điều trị cho tất cả đối tượng nhiễm lao là không khả thi. Do đó việc sàng lọc các nhóm cộng đồng có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh lao cũng như nhóm có nguy cơ chuyễn từ lao tiềm ẩn sang thể lao bệnh là cần thiết.
Chẩn đoán lao tiềm ẩn thường dùng 2 xét nghiệm sau:
1. Xét nghiệm Tuberculin trên da (TST: Tuberculine Skin Testing), với thử nghiệm Mantoux được tổ chức y tế thế giới tiêu chuẩn hóa. 0.1 mL tuberculin (100 đơn vị/mL) được tiêm vào nội bì (intradermal) vùng 1/3 trên cẳng tay (tiêm dưới da sẽ cho kết quả âm tính). Kết quả sẽ đọc sau 72 giờ bằng cách đo đường kính vùng da bị cứng chứ không phải vùng sưng đỏ.
2. Thử nghiệm nhả interferon-gamma (IGRA: Interferon-gamma Release Assay). Mẫu nghiệm sẽ trộn với 1 peptid giả antigen của vi trùng lao. Nếu người đó đã tiếp xúc với vi trùng lao, bạch cầu sẽ nhận diện antigen này và nhả ra interferon-g (IFN-g) và kết quả căn cứ trên lượng IFN-g nhả ra. Thử nghiệm này không phụ thuộc tiêm BCG hay không.
Nếu những thử nghiệm trên dương tính, bác sĩ sẽ khám bệnh và cho chụp hình phổi nếu cần để xác nhận.
Điều trị bệnh Lao tiềm ẩn
Điều trị bệnh Lao tiềm ẩn nhằm để diệt vi trùng Lao bất hoạt (đang ngủ) trong cơ thể, với mục tiêu để giảm nguy cơ bị bệnh sau này, việc điều trị bệnh lao tiềm ẩn sẽ làm giảm 90% nguy cơ bệnh lao tiềm ẩn tái phát thành lao hoạt động (có nghĩa là trong 100 người bị lao tiềm ẩn, nếu không can thiệp có chừng 5-10 người sẽ bị lao bộc phát trở lại; nếu 100 người đó uống thuốc, chỉ có không tới 1 người sẽ bị lao tái phát, hoạt động), hiệu quả của điều trị bệnh lao tiềm ẩn nếu uống đủ liệu trình sẽ kéo dài trên 10 năm.
Những đối tượng cần điều trị lao tiềm ẩn bao gồm:
- Những người nhiễm HIV( người lớn và trẻ 0-14 tuổi có HIV) đã sàng lọc hiện không mắc lao;
- Trẻ em dưới 5 tuổi sống cùng nhà với người bệnh lao phổi, những trẻ này được xác định không mắc lao;
- Tất cả các đối tượng ( người lớn và trẻ em) có tiếp xúc nguồn lây sau khi chẩn đoán loại trừ bệnh lao mà có kết quả TST( phản ứng Mantoux) ( hoặc IGRA; hoặc test chẩn đoán lao tiềm ẩn khác được CTCLQG khuyến cáo sử dụng) dương tính đều đủ điều kiện tư vấn và thu dung điều trị lao tiềm ẩn;
Người tiếp xúc hộ gia đình, với bệnh nhân lao phổi, bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi, suy thận chạy thận nhân tạo, cấy ghép tạng, điều trị ức chế miễn dịch kéo dài( bệnh hệ thống); cán bộ y tế khám chữa bệnh lao hoặc làm việc trong môi trường có bệnh nhân lao.
Phác đồ điều trị lao tiềm ẩn hiện nay:
- Điều trị bằng thuốc Isoniazid
+ Người lớn: Isoniazid( INH) liều dùng 300mg/ngày, uống 1 lần vào 1 giờ nhất định( thường uống trước bữa ăn 1 giờ), uống hàng ngày trong 9 tháng;
+ Trẻ em: Isoniazid( INH) liều dùng 10mg/kg/ngày, uống 1 lần vào 1 giờ nhất định( thường uống trước bữa ăn 1 giờ), uống hàng ngày trong 6 tháng;
- Phác đồ 3 HP( Rifapentin (RPT) và Isoniazid):
Tần xuất uống 1 lần/ tuần( 12 liều điều trị trong thời gian 3 tháng);
Liều Isoniazid là 15 mg/kg; Liều uống RPT theo khoảng cân nặng: Từ 25.-<32. kg dùng 600 mg; từ 32.- <50 kg dùng 750 mg; ≥ 50.0 kg dùng tối đa 900 mg.
Ghi chú: Không dùng phác đồ 3HP cho trẻ dưới 2 tuổi.
Từ Quý 3/2017 đến nay, Chương trình chống lao thành phố Đà Nẵng đã thực hiện việc khám sàng lọc bệnh Lao tiềm ẩn ở đối tượng có tiếp xúc với nguồn lây hộ gia đình tại 4 quận huyện: Sơn Trà, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, đưa vào điều trị hơn 700 bệnh nhân Lao tiềm ẩn và kế hoạch triển khai khám, sàng lọc bệnh Lao tiềm ẩn sẽ được mở rộng toàn thành phố trong năm 2019.