• :
  • :
" Vì một thành phố Đà Nẵng không còn bệnh lao "

Chi bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tổ chức hoạt động về nguồn nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2024)

30.07.2024 -

   Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ và với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Chi ủy Chi Bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng- BCH Công đoàn- Chi đoàn Thanh niên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tổ chức hành trình về nguồn thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ và nhà Tù Sơn La, Bảo tàng Sơn La

   Tại nghĩa trang Liệt sĩ A1 Điện Biên Phủ, trong không khí trang nghiêm và thành kính Đoàn Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã dành cả tuổi trẻ, cả thanh xuân cho độc lập, tự do của đất nước

Nghĩa trang Liệt sĩ A1 được xây dựng năm 1958, bên con đường Võ Nguyên Giáp thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Là một trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên, được tu bổ và nâng cấp ngày 2/9/1993 thành công trình lịch sử văn hóa - một nghĩa trang công viên có diện tích hơn 32.000m2. Nghĩa trang như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Đoàn Bệnh viện Phổi Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1

     Sau khi viếng nghĩa trang Liệt sĩ A1, Đoàn đến thăm bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một điểm đến vô cùng ý nghĩa. Bảo tàng với diện tích trưng bày rộng 1.250m2 với gần 1000 tài liệu, hiện vật (nhiều chất liệu), hình ảnh, bản đồ được đánh giá là một trưng bày hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh… đã khái quát sinh động, sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn đã được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh panorama hơn 3.000m2, tranh tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận kéo dài 56 ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

     Đoàn cũng đã tổ chức các hoạt động thăm quan các địa điểm, địa danh lịch sử như: Đồi A1, Hầm chỉ huy của tướng De Castries,Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Đoàn tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

 

Đoàn tham quan Hầm chỉ huy của tướng De Castries

 

Đoàn tham quan Địa danh lịch sử Đồi A1

 

Đoàn tham quan Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

 

    Trong hành trình về nguồn, Đoàn cũng đã đến thăm Bảo tàng Sơn La, Nhà tù Sơn La thuộc TP. Sơn La, nơi đã từng giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc.  

   Giữa lòng thành phố có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà Tù Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm, và bảo tàng Sơn La nơi trưng bày nhiều hiện vật quý, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hoá của cộng đồng 12 dân tộc đoàn kết cùng nhau xây dựng Sơn La thành tỉnh giàu có của Việt Nam.

     Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có  hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. 

Hình ảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Tù Sơn la

 

     Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí trung kiên khác.

Đoàn tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Tù Sơn la và Bảo tàng Sơn La

 

     Kết thúc hành trình về nguồn vô cùng ý nghĩa mỗi đảng viên, quần chúng trong Chi bộ nhận thức sâu sắc và hình dung rõ nét hơn về cuộc chiến khốc liệt, gian khổ 56 ngày đêm mà cha ông ta đã từng trải qua. Dưới sự lãnh đạo tài tình, đầy sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng mưu lược quân sự tài tình được hun đúc bởi lòng yêu nước nồng nàn và lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước; bằng sự hy sinh anh dũng của bao anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ, sự đóng góp xương máu của đồng bào dân tộc Việt Nam ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu, là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập tự do trong thế kỷ 20 và hiểu thêm được sự hy sinh gian khổ, tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí bất diệt của Người chiến sĩ cộng sản trong những năm tháng đấu tranh chống Thực dân Pháp.