Trong lịch sử, thế giới đã từng đối mặt với rất nhiều dịch bệnh khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề tới dân số loài người. Một trong số những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử loài người mà chúng ta có thể kể đến là đại dịch Cái chết đen với bệnh dịch hạch. Chỉ trong 4 năm, đại dịch này đã cướp đi gần một nửa dân số châu Âu, cũng như reo rắc sự kinh hoàng cho tới hơn 200 triệu người trên Trái Đất.
Tiếp đó, đại dịch Ebola xảy ra vào năm 1976 ở Tây Phi cũng được ghi dấu ấn như một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất của nhân loại. Virus Ebola đã lây lan cho 2.400 người và giết chết 1/3 số bọn họ. Điều tồi tệ đó là, Ebola đang quay lại và tàn phá chính nơi mà nó sinh ra: Tây Phi. Còn điều tồi tệ hơn? Các nhà chức trách và y tế đang quan ngại dịch Ebola sẽ trở thành một dịch bệnh toàn cầu bởi tình hình ở châu Phi hiện tại là: Ngoài tầm kiểm soát.
Quay ngược thời gian một chút, vào ngày 22/3/2014, người ta phát hiện một loại virus hoành hành ở một vùng rừng phía nam Guinea và giết chết 59 người. Lúc này, các nhà khoa học tại Pháp mới xét nghiệm và phát hiện ra đây chính là virus Ebola. Tuy nhiên, người ta lại tìm hiểu được dường như dịch bệnh này đã nhen nhúm từ trước đó, cụ thể là vào tháng 12/2013, một bé gái 2 tuổi đã chết ở Guinea với một vài triệu chứng khả nghi. Người ta cho rằng, các nhân viên y tế đã bị lây và mang virus đó tới những vùng khác của Guinea. Tuy nhiên, quay lại với cái mốc 22/3, chỉ 5 ngày sau khi được ghi nhận tại một vùng rừng xa xôi, Ebola từ rừng sâu đã lan tới thủ đô của Guinea và đến ngày 31/3, Ebola đã xuất hiện ở Liberia.
Tính đến thời điểm này, tức là chỉ 4 tháng trôi qua kể từ khi Ebola được phát hiện, virus này đã lan tới 4 nước Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1300 người và số người tử vong là hơn 729 người. Trong số những người đã mắc Ebola, có rất nhiều người Mỹ và các quốc gia khác bị nhiễm do tới các vùng dịch để kiểm soát dịch bệnh lây lan. Trước sự bùng phát dữ dội này, Ebola được ví như một cơn cháy rừng và các nước châu Âu, châu Á đang đặt cảnh giác cao độ bởi Ebola có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào.
Bản đồ lây lan của Ebola, với những vùng màu cam nâu là vùng xác nhận có dịch, những vùng màu ghi là những vùng nghi ngờ có dịch.
Để các bạn ý thức được rõ hơn về sự nguy hiểm của Ebola cũng như cách bảo vệ mình một khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một vài thông tin sơ bộ về Ebola và đại dịch lần này.
1. Ebola là gì?
Bệnh do virus Ebola hay còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976. Vì nó được phát hiện tại một khu làng ven sông Ebola, vậy nên người ta lấy tên con sông này để đặt cho nó. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới, tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.
Virus Ebola.
2. Triệu chứng
Triệu chứng của Ebola thường giống với những triệu chứng ốm, sốt như suy nhược, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ ói mửa, tiêu chảy và phát ban, suy giảm chức năng của thận và gan. Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng, làm sưng mắt và bộ phận sinh dục. Thông thường, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ 8 - 10 ngày sau khi tiếp xúc.
3. Ebola lây lan như thế nào?
Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta quan tâm nhất. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ, Ebola không lây qua đường không khí. Ebola có thể lây từ vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả. Từ dơi, vượn, khỉ hay lợn sẽ bị nhiễm virus Ebola và từ đó mang virus tới con người. Vậy nên, chúng ta có thể xác định trước một cách để phòng tránh Ebola, đó là tránh ăn thịt động vật hoang dã cũng như các loại thịt sống. Chúng ta nên nhớ, bệnh nhân đầu tiên mắc Ebola vào năm 1976 đã bị bệnh sau khi tiếp xúc với thịt khỉ và linh dương.
Với con người, Ebola lây lan qua các tiếp xúc trực tiếp với máu và chất tiết từ cơ thể như phân, nước bọt, tinh dịch hoặc chất nhờn. Ebola có thể lây qua các vết xước nhỏ hoặc những tiếp xúc từ niêm mạc của người lành với người bệnh, hoặc thậm chí là qua một vật trung gian như chăn đệm, ga giường, quần áo và kim tiêm. Đó cũng chính là lý do mà các cán bộ y tế tại Châu Phi là những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm Ebola nhất.
4. Không có vaccine
Đúng vậy, tính đến thời điểm này, chúng ta không có một phương thuốc và vaccine nào có thể chích ngừa Ebola. Tuy nhiên, chúng ta có quyền được hy vọng bởi theo một vài báo cáo của WHO thì đang có một vài loại vaccine được thử nghiệm, một trong những loại vaccine đó có hiệu quả khá hứa hẹn trên khỉ.
5. Ai có nguy cơ cao mắc phải Ebola
Những người có nguy cơ mắc phải Ebola là những người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Đó có thể là: Người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người dự tang lễ bệnh nhân và có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người nhiễm bệnh, người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola và các cán bộ y tế chăm sóc người bệnh Ebola.
6. Phòng ngừa Ebola như thế nào
Cho đến nay, “Nâng cao nhận thức” về bệnh là một trong những cách để bạn cứu mình khỏi Ebola. Như bạn đã biết, trường hợp đầu tiên bị mắc Ebola là do tiếp xúc trực tiếp với thịt thú rừng nhiễm bệnh thì trường hợp thứ hai lại xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh. “Hầu hết người bị lây nhiễm Ebola là những người sống cùng và chăm sóc người mắc bệnh” - WHO cho biết. Vậy nên, khi bạn ở trong vùng dịch, bạn có thể tham khảo các gạch đầu dòng dưới đây:
- Hiểu rõ về dịch. Ví dụ như hiểu làm thế nào mà dịch bệnh bị lây từ người sang người, làm thế nào để ngăn nó lan rộng thêm.
- Nếu người nhà bạn bị bệnh, hãy thông báo ngay cho các quan chức y tế công cộng để có biện pháp cách ly.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiệt trùng tuyệt đối sau khi tiếp xúc với người bệnh Ebola.
- Mặc các trang phục bảo hộ theo đúng tiêu chuẩn y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.
Bạn cũng cần đặc biệt chú ý khi người xung quanh mình có các triệu chứng như đau nhức, sốt, tiêu chảy, hắt xì. Bởi đây là giai đoạn đầu của căn bệnh, sẽ rất khó để phát hiện ra cho đến khi bệnh đã nặng hơn và có dấu hiệu xuất huyết.
Ngoài ra, tại Việt Nam, bạn có thể tự mình tạo những thói quen có thể giúp phòng tránh dịch Ebola nhiều nhất có thể như không ăn thịt thú rừng, tránh bay tới những vùng đang có dịch.
7. Ebola có chữa được không?
“Với AIDS, hiện tại chúng ta đã có một vài biện pháp cứu chữa và người bệnh sống lâu hơn, họ có hy vọng. Với Ebola, vào thời điểm này chúng ta không có hy vọng”. Lugli, một bác sĩ của tổ chức Bác sĩ không biên giới đang làm việc tại các vùng dịch cho biết.
Mặc dù Tổ chức Y Tế Thế Giới đã nâng tỉ lệ nguy cơ chết do Ebola lên tới 90%, nhưng không phải là không có cơ hội cứu chữa cho những người bị bệnh Ebola. Theo những con số mới nhất từ WHO thì đã có khoảng 40% bệnh nhân sống sót sau khi mắc Ebola. Tuy nhiên, những bệnh nhân này cần được phát hiện sớm để có sự chăm sóc kịp thời.
8. Có nguy cơ Ebola lan tới toàn thế giới, cụ thể là châu Á không?
Có! Ebola đang là một trong những mối đe doạ hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, Ebola đang lan truyền với tốc độ chóng mặt tại khắp Tây Phi và khả năng nó vươn tới châu Âu, châu Mỹ và châu Á là hoàn toàn có thể. Hiện tại, nhà chức trách các nước đang ban bố lệnh cấm cũng như khuyến cáo các công dân nước mình tránh tới những nước châu Phi đang có dịch. Thậm chí, tại nhiều sân bay lớn, các biện pháp xét nghiệm đã rục rịch được chuẩn bị để phòng tránh tối đa Ebola xuất hiện.
Nguồn tin: kenh14.vn