• :
  • :
" Vì một thành phố Đà Nẵng không còn bệnh lao "

Những "chiến binh" ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

10.04.2020 -

TTO - Hơn hai tháng chiến đấu với COVID-19, nhiều y bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tình nguyện xa chồng con, lấy bệnh viện làm nhà, bàn họp làm chỗ ngủ, sẵn sàng trực chiến mỗi khi có điều động.

 

Để vững tâm làm việc, họ tự động viên, chăm sóc nhau bởi sự căng thẳng, nỗi nhớ chồng con và cơn thèm ngủ luôn chờ chực ập tới để đánh gục họ bất cứ lúc nào.

2 tháng rồi chưa gặp mặt con

Đôi mắt thâm quầng, gương mặt lộ rõ nét mệt mỏi suốt một đêm trực dài, bác sĩ Hồ Thị Thuyên (39 tuổi), Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, vẫn cố tập trung xử lý những hồ sơ bệnh án đang chất chồng trên bàn giao ban. Từ khi Bệnh viện Phổi được chọn làm nơi cách ly đến nay gần như bác sĩ Thuyên ở luôn tại bệnh viện dù nhà riêng cách đó không xa. 

Từ sau tết, hai con nhỏ được chị gửi về quê tận Nghệ An nhờ ông bà chăm sóc để tập trung cho công việc. Nhắc đến con, chị như sắp khóc. 

"Tôi có một cháu đang học lớp 5, cháu nhỏ mới lớp 2 thôi. Đã hai tháng nay tôi chưa gặp mặt chúng nó, làm mẹ sao không nhớ con cho được. Nhưng công việc nhiều quá, chỉ lúc nào công việc tạm ổn tôi mới tranh thủ gọi điện thoại về nghe giọng sấp nhỏ cho bớt nhớ", chị Thuyên chia sẻ. 

 

                                                Bs. Hồ Thuyên tiếp nhận bệnh nhân vào khu cách ly

 

Chị bảo dù nhớ con quay quắt ruột gan nhưng cũng không dám đón con về vì sợ lây nhiễm bệnh cho con. Chị nói lúc nào dịch tạm lắng sẽ đón con về, nhưng đó là khi nào còn chưa ai biết.

Không riêng bác sĩ Thuyên, hầu như tất cả y bác sĩ tại viện đều đã gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc để đi chống dịch. Đó cũng là cách duy nhất họ bảo vệ gia đình khi bản thân lúc nào cũng tiếp xúc nguồn lây nhiễm. 

Có những y sĩ, điều dưỡng điều kiện khó khăn đang còn ở nhà thuê. Chủ nhà xa lánh, hàng xóm tỏ ý không hài lòng, kỳ thị khi biết họ làm ở nơi có người bệnh. Ban giám đốc bệnh viện quyết định biến phòng hội trường trên tầng 3 nhà A làm nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ tại chỗ cho nhân viên. 

Bác sĩ Lê Thành Phúc, giám đốc bệnh viện, bảo phương án này cũng có cái hay là có thể huy động được ngay lực lượng tham gia hỗ trợ khi số ca bệnh vào viện tăng đột biến và giúp y bác sĩ yên tâm công tác.

Thèm một giấc ngủ trọn vẹn

Với những người có con nhỏ, giải quyết việc nhà và việc bệnh viện càng khó khăn hơn. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, trưởng Khoa Nội 3, vừa phải chăm con nhỏ mới 9 tháng tuổi vừa đảm bảo công việc của một trưởng khoa. 

Chị nói làm những ngành nghề khác có thể từ chối khi gặp nguy hiểm nhưng là bác sĩ chị không thể từ chối bệnh nhân.

                Các bác sĩ tại khoa Nội III - bệnh viện Phổi Đà Nẵng bên chồng hồ sơ bệnh án

 

"Giờ này thì chúng tôi không còn tính giờ giấc, ca kíp gì cả. Lúc nào còn việc là còn làm, cần hỗ trợ là bệnh viện gọi đến, không phân biệt giờ hành chính hay ngoài giờ. Nhà tôi ở gần đây, lúc nào bệnh viện gọi cũng phải có mặt. 

Cháu nhỏ tôi gửi nhờ hàng xóm trông giúp, cháu lớn thì đã gửi về quê từ trước rồi. Tôi chỉ lo gửi con cho hàng xóm, tiếp xúc hằng ngày với họ mà có chuyện gì bất trắc xảy ra thì không biết tính sao", bác sĩ Dương nói.

Hai tháng căng mình chống dịch, giấc ngủ chập chờn. Có người trực suốt đêm, sáng ra tiếp tục đi tập huấn. Ai nấy cũng canh cánh lo đồng nghiệp bị xỉu trên đường. Giấc ngủ trọn vẹn đối với họ lúc này cũng tha thiết như nỗi nhớ con. 

Một chị điều dưỡng trẻ buột miệng bảo bây giờ chỉ cần đặt lưng xuống bất cứ chỗ nào cũng có thể ngủ ngon được ngay, không cần thiết chiếu gối, điều hòa gì cả. Lúc rảnh tay, họ giúp nhau xoa vai, đấm bóp cho đỡ mỏi. Tấm băng rôn chúc mừng năm mới treo trước cổng viện từ tết đến nay vẫn còn, không ai có thời gian mà để ý tháo xuống.

 

                               Bên trong khu vực cách ly của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng 

 

Bác sĩ Lê Thành Phúc là người có khiếu hài hước, những lời trò chuyện của ông với thuộc cấp luôn tếu táo và dễ gây cười. Ngang qua Khoa Nội 3, ông nhìn vào các chị em đang vật lộn với mớ hồ sơ bệnh án rồi phán: "Hơn hai tháng rồi mà các bà chưa chịu về nhà, cả cái phòng này bỏ chồng hết rồi!". Vậy là các nữ bác sĩ được dịp cười nắc nẻ, tâm trạng ai nấy tốt hẳn lên.

Bác sĩ Phúc chia sẻ nhiệm vụ của đội ngũ là phục vụ tối đa cho người bị cách ly để họ cảm thấy như đang ở nhà. Người vào phòng cách ly được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt, từ chăn màn, chiếu gối đến tuýp kem đánh răng, cuộn giấy vệ sinh. Đến những điều nhỏ nhặt như cái ống nước hư, bồn rửa mặt trục trặc cũng được xử lý ngay lập tức. 

           Các bệnh nhân bên trong khu cách ly được đáp ứng tốt nhất những nhu cầu cơ bản

 

"Bữa sáng bệnh nhân yêu cầu ăn gì chúng tôi đi mua thứ ấy, bún, phở, cháo, mì đều có đủ cả. Bữa trưa và tối bệnh viện ưu tiên phục vụ thức ăn tại căng tin nhưng bệnh nhân có yêu cầu ăn thêm bên ngoài chúng tôi vẫn cố gắng đáp ứng đủ. Ngoài áp lực cách ly bệnh nhân COVID-19, bệnh viện vẫn thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bình thường các bệnh về phổi như lao, viêm phổi", bác sĩ Phúc tâm sự.

Tác giả:Tấn Lực

Nguồn:https://tuoitre.vn/nhung-chien-binh-o-benh-vien-phoi-da-nang-20200408141457836.htm?fbclid=IwAR0pfxigJf9lABdaIGiLuNKIL5tBeQ78k1hOpvrjUWvpKdbzgxy7jGygZoo