Thống kê của ngành y tế Hà Nội cho thấy, ngoài 56 cơ sở khám chữa bệnh, viện nghiên cứu của Bộ Y tế và các bộ, ngành khác, trên địa bàn Hà Nội còn có 41 bệnh viện công lập, khối y tế ngoài công lập gôm 29 bệnh viện và gần 2000 cơ sở dịch vụ y tế.
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đối với các bệnh viện và cơ sở y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và ban hành quy định quản lý chất thải và các quy trình phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là các loại chất thải y tế nguy hại; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế, người bệnh và gia đình người bệnh thực hiện, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An phát biểu ý kiến tại buổi giám sát tại ngành y tế về bảo vệ môi trường
Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị củng cố và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) và đã có 100% bệnh viện có ban chỉ đạo KSNK, hội đồng KSNK, màng lưới KSNK; 75% bệnh viện thành lập khoa KSNK, các bệnh viện còn lại có tổ KSNK. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác KSNK, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Trước đó, ngành y tế Hà Nội có 5 đơn vị nằm trong danh sách cần hoàn chỉnh quy trình về xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng y tế nguy hại là Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Sơn Tây, Thanh Nhàn, Hà Đông và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sau khi được UBND thành phố đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường, đến nay, đã có 4 bệnh viện được cấp chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Riêng Bệnh viện đa khoa Đống Đa đang hoàn thiện các thủ tục cấp chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Theo khảo sát năm 2013, lượng rác thải rắn y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của 41 bệnh viện công lập, 45 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh, các trạm y tế và khối y tế tư nhân khoảng gần 3 triệu kg chất thải thông thường và 548.320kg chất thải y tế nguy hại. Khảo sát năm 2012 của Sở Y tế cũng cho thấy, mỗi ngày các cơ sở y tế của Hà Nội phát sinh khoảng trên 9500kg chất thải y tế, trong đó có khoảng 1350kg chất thải y tế nguy hại (chiếm 14%).
Công tác thu gom, phân loại rác được thực hiện ngay từ nơi phát sinh rác thải, những chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi thu gom về nơi tập trung chất thải của cơ sở y tế được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải. Ngoài ra, các cơ sở y tế đều có quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc bệnh nhân và các khu vực sạch khác.
Hiện, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang áp dụng 2 mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, trong đó có 18 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế riêng (công nghệ lò đốt của Nhật Bản), 23 bệnh viện và nhiều TTYT cũng ký hợp đồng với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân trong việc vận chuyển và xử lý rác thải rắn y tế theo hình thức thu gom tập trung. 29 bệnh viện ngoài công lập trước khi được cấp phép hoạt động cũng đều được kiểm tra và và đảm bảo đủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải rắn y tế theo phương pháp thu gom tập trung.
Với chất thải lỏng y tế, 41 bệnh viện công lập và các TTYT, 45 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh trung bình mỗi ngày có khoảng trên 5000m3 và trên 4500m3 được xử lý ngay trong ngày. 23/41 bệnh viện công lập đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế; 18 bệnh viện còn lại đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, trong đó có 12 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế theo công nghệ Nhật Bản, các hệ thống đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Các phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh đã được thành phố đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế. Còn tại các trạm y tế đang sử dụng phương pháp xử lý hóa chất khử trùng (Cloramin B) trước khi vào hệ thống công chung ra môi trường. Với các bệnh viện và cơ sở dịch vụ y tế tư nhân đều đã làm tốt công tác thu gom và xử lý chất thải lỏng y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất. Từ các đợt kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện các tồn tại trong phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải y tế. Cụ thể như: các phương tiện đựng chất thải còn thiếu và chưa đúng quy cách, lưu trữ chất thải quá thời gian quy định, nơi lưu giữ chưa đúng quy định, từ đó đưa ra các biện pháp giúp đơn vị khắc phục ngay những tồn tại trên.
Thực tế cho thấy, thành phố, ngành y tế cũng như các bệnh viện đã nỗ lực đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải nhưng theo TS Lê Hưng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa thì thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường không đơn thuần xử lý rác thải và vận hành hệ thống xử lý mà còn cả vấn đề vệ sinh bệnh viện. Ước tính năm 2014, bệnh viện sẽ phải chi khoảng 1,2 tỷ đồng cho công tác vệ sinh bệnh viện, chưa kể kinh phí cho vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu trữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn khiến cho đơn vị gặp nhiều khó khăn. Đây là tình trạng chung của các bệnh viện Hà Nội.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Sở Y tế trong việc quan tâm, đảm bảo môi trường, xử lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Sở Y tế rà soát lại các cơ sở y tế trên địa bàn, lập danh sách đơn vị có hệ thống xử lý chất thải xuống cấp để trình UBND thành phố cũng như Bộ Y tế đầu tư. Khi đầu tư cần có công nghệ chất lượng cao nhưng chi phí hợp lý và có bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên trong quá trình sử dụng. Sở Y tế cần tăng cường thanh kiểm tra cơ sở y tế trong và ngoài công lập để chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, đảm bảo các đơn vị đều làm tốt các quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý các chất thải y tế. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà cũng đề nghị Sở Y tế cần làm rõ các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng để nâng cao được công tác bảo vệ môi trường tại bệnh viện, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Nguồn tin: Sở y tế Hà Nội